Loading...
Skip to main content

TAND tỉnh Bến Tre: Tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa

(11/10/2018 08:08)

Thực hiện chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, ngày 13/7/2018, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Bến Tre phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Đến dự hội thảo có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, lãnh đạo thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ, Ban nội chính, Công an, VKS, Tòa án, Sở tư pháp, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh Bến Tre; Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hai cấp tỉnh Bến Tre.

Để chuẩn bị hội thảo này, TAND tỉnh Bến Tre đã tổ chức phiên tòa mẫu xét xử hình sự sơ thẩm vụ án bị cáo Trần Hữu Kiển (37 tuổi, nguyên là Trưởng chi nhánh văn phòng luật sư BT- Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng của thân chủ. Mục đích của hội thảo là để các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”. Mục đích để tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng nguyên tắc tranh tụng trong thời gian qua còn hạn chế, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa chưa đảm bảo, chưa thực sự đúng theo tinh thần cải cách tư pháp. Qua đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trong thời gian tới, góp phần đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia tố tụng.

Tranh tụng chưa đi vào thực chất

Mở đầu buổi hội thảo, Thẩm phán Bùi Quang Sơn, Phó Chánh án thường trực TAND tỉnh đã khái quát thực trạng tranh tụng tại các phiên tòa và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, nguyên tắc tranh tụng là cần thiết đối với hoạt động của tòa án, đặc biệt là khi lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Tòa án được ghi nhận là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp của mình, hơn ai hết, Tòa án phải là người thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc về tranh tụng mà hiến pháp đã quy định. Trong nguyên tắc tranh tụng, phiên tòa được tổ chức sao cho các bên tham gia phiên tòa có được vị trí tương đương nhau, quyền phát biểu, tranh luận, đưa ra các tài liệu chứng cứ và thời gian dành cho mỗi bên cũng tương đương nhau, các chủ thể tham gia tố tụng được tôn trọng như nhau. Tòa án, cụ thể là thẩm phán phải là người trọng tài thực thụ để đánh giá những tài liệu, chứng cứ, ý kiến, quan điểm mà các bên thu thập được theo một trình tự tố tụng, trên cơ sở đó làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án để đưa ra phán quyết khách quan nhất, tương thích nhất với các quy định của pháp luật. Như vậy, tranh tụng trong xét xử góp phần quan trọng để Tòa án đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, đảm bảo Tòa án thực sự là nơi thực thi công lý, bảo vệ lẽ phải và sự công bằng.

hoi thao 1

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre gợi ý thảo luận

Trong thời gian qua, TAND tỉnh Bến Tre đã triển khai, quán triệt và thi hành nghiêm túc nguyên tắc tranh tụng, cũng như thường xuyên tập huấn và triển khai thực hiện các quy định của các bộ luật về tố tụng mới được sửa đổi, bổ sung trong TAND hai cấp. Thường xuyên rà soát, bố trí, thực hiện tốt các quy định mới về tổ chức phiên tòa đảm bảo đúng quy định. Đối với những đơn vị chưa có kinh phí tổ chức phiên xử theo quy định mới thì đã tận dụng những trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện có để bố trí phòng xử án một cách thích hợp. Lãnh đạo TAND tỉnh luôn xác định, trong các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử thì việc đảm bảo và tăng cường tranh tụng tại phiên tòa được xác định vừa là giải pháp đột phá, đồng thời là yêu cầu hết sức quan trọng. Từ đó, Ban cán sự đảng chỉ đạo TAND hai cấp tỉnh tập trung làm tốt việc tranh tụng trong quá trình giải quyết tất cả các loại vụ án. Bên cạnh đó, Tòa án cần phối hợp với VKS tổ chức nghiêm túc các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong quá trình tố tụng, kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò trước và trong khi tham dự phiên tòa, bình tĩnh, tự tin đối đáp tranh luận, thể hiện được bản lĩnh của người thực hành quyền công tố nhà nước. Đội ngũ luật sư, luật gia và trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tham gia xét hỏi, làm rõ tình tiết liên quan, tích cực tham gia tranh luận, đối đáp góp phần làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, từ đó giúp cho HĐXX đưa ra phán quyết đúng lý, hợp tình, có sức thuyết phục cao.

Tuy nhiên, thực trạng tranh tụng tại các phiên tòa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa thực sự đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Nhất là trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của bị cáo, bị hại, đương sự còn hạn chế nên không thực hiện hết quyền và nghĩa vụ của mình trong tố tụng. Nhiều bị cáo, đương sự không tham gia tranh luận tại phiên tòa hoặc tranh luận mang tính chung chung, không đi vào trọng tâm vấn đề tranh luận, đối đáp đã ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, vai trò thẩm phán cũng còn một số hạn chế như: chủ tọa để các bên tranh luận rất nhiều lần cùng một vấn đề, chưa chủ động định hướng cho các bên đương sự tranh luận với nhau về các tình tiết, các vấn đề còn mâu thuẫn, tranh chấp nên việc tranh luận còn mờ nhạt, nhất là đối với các phiên tòa không có luật sư, trợ giúp pháp lý bảo vệ cho đương sự. Một số kiểm sát viên chưa chủ động tham gia xét hỏi nhằm đưa ra chứng cứ buộc tội mà chủ yếu phụ thuộc vào HĐXX hoặc kiểm sát viên trong quá trình tranh luận còn né tránh hoặc giữ nguyên quan điểm đã nêu trong cáo trạng. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý bào chữa chỉ mang nặng việc khai thác các tình tiết giảm nhẹ hoặc bắt bẻ về câu chữ hay những lỗi tố tụng nhỏ mà không đi vào những tình tiết của vụ án một cách toàn diện.

Giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng

Để việc tranh tụng tại phiên tòa đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra đề xuất là nên tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và trợ giúp viên pháp lý phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị kỹ cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân để họ tự bảo vệ mình thì vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là rất quan trọng. Trong thời gian tới, cần làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của từng ngành, đơn vị đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử nói riêng. Cần đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội thi, tập huấn, phát tài liệu tuyên truyền, hoạt động xét xử của tòa án, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử như trang web, trang mạng xã hội. Đây là những kênh thông tin rất được người dân quan tâm và có sức ảnh hưởng lớn.

Bên cạnh những giải pháp các đại biểu đã nêu để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tại hội thảo, ông Nguyễn Biên Thùy, Chánh án TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc TAND hai cấp tỉnh thực hiện thí điểm ngay việc in bảng hướng dẫn quyền và nghĩa vụ của bị cáo, đương sự thích hợp theo từng giai đoạn tố tụng phát trực tiếp cho họ để họ biết, nghiên cứu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ông Thùy lý giải, đây là giải pháp trước mắt để góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, ở mỗi giai đoạn giải quyết vụ án thì đương sự, bị cáo có một số quyền và nghĩa vụ riêng nhưng hầu như họ không biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Như tại phiên tòa, trong phần tranh luận nhưng họ không biết tranh luận, không đi vào trọng tâm của tranh luận nên thường bị thẩm phán nhắc nhở hay cắt lời gây ức chế tâm lý. Khi họ đã biết được quyền và nghĩa vụ của mình thì việc giải quyết vụ án sẽ thuận lợi hơn.

hoi thao 2

Phó Chánh án thường trực Bùi Quang Sơn, chủ tọa phiên tòa mẫu phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo, sau buổi hội thảo từng đồng chí sẽ rút ra kinh nghiệm của bản thân để thực hiện tốt hơn việc tranh tụng tại phiên tòa, nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa phải được thực hiện đầy đủ vì đã được hiến định, luật hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn là do nhận thức của các bên có liên quan đến tranh tụng chưa hiểu đúng đắn vị trí và trách nhiệm của mình. Thời gian tới, các cơ quan tư pháp của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, việc tranh tụng phải đi vào bài bản, có chiều sâu, đúng với tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tranh tụng tại phiên tòa; nâng cao năng lực, bản lĩnh của các chủ thể tham gia phiên tòa; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác xét xử; đề xuất hoàn thiện thể chế để công tác tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu quả cao hơn.

Quang Trung


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận
Lượt xem: 158
cdscv